Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) lại vừa lên tiếng cảnh báo thế giới đang quản lý thiếu hiệu quả các nguồn nước ngầm. Hiện trạng này đe dọa cuộc sống của ít nhất 2,5 tỷ người trên toàn cầu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngầm và hàng trăm triệu nông dân phụ thuộc vào nguồn nước này để sống và sản xuất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực.
Hội nghị Tư vấn lần thứ 2 về quản lý nguồn nước ngầm tại Thủ đô Nairôbi của Kênya những ngày đầu tháng 6 đã nhấn mạnh, quản lý yếu kém là một trong số ít nguyên nhân chủ yếu làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, làm ô nhiễm các tầng ngậm nước và dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng về phân phối sử dụng nguồn nước ngần giữa các cộng đồng và giữa các nước. Hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các tầng ngậm nước không được quản lý theo hướng bền vững hoặc bình đẳng để bảo tồn và bảo vệ các nguồn nước sạch vô giá này của nhân loại. Tuy nhiên, các quyết định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn nước ngầm trên thế giới thường được hoạch định trên cơ sở thiếu thông tin khiến các mô hình quản lý và sử dụng đều không bền vững. Quản lý và sử dụng nước ngầm thậm chí đặc biệt phức tạp khi nguồn nước này được chia sẻ xuyên biên giới. Nguồn nước ngầm ở châu Phi xuyên biên giới tới 40 quốc gia.
Alice Aureli, Chuyên gia cao cấp của UNESCO về nguồn nước cảnh báo, thế giới đang phải đối phó với những thách thức gay gắt chưa từng thấy về môi trường và tăng dân số toàn cầu, đòi hỏi phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực trong 3 thập kỷ tới cũng như tìm kiếm các nguồn năng lượng đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Trong khi đó,các hiểm họa khác cũng đang tăng lên do biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên.Trong bối cảnh này, thúc đẩy các chiến lược quản lý nguồn nước tốt hơn phải là nhân tố then chốt để đảm bảo sự sống của nhân loại và sự tồn tại của hành tinh.
Theo dữ liệu của UNESCO, nước ngầm chiếm gần 50% nguồn nước sạch trên hành tinh và chiếm 43% nguồn nước nông nghiệp toàn cầu. Để đảo ngược xu thế quản lý hiện nay các nguồn nước ngầm, các chuyên gia UNESCO kêu gọi các nước và các khu vực cùng nhau xác định các ưu tiên quốc gia và khu vực cũng như nhu cầu sử dụng nguồn nước ngầm, theo đó nguồn nước ngầm cần được coi là giải pháp lựa chọn sử dụng cuối cùng. UNESCO cũng kêu gọi các nước sử dụng phương pháp mới được gọi là “Chẩn đoán quản lý nguồn nước ngầm toàn cầu ” để xác định nguồn nước ngầm. Phương pháp chẩn đoán này là cơ sở để xây dựng Khuôn khổ hành động toàn cầu thúc đẩy các giải pháp thực tiễn quản lý tốt nguồn nước ngầm.
Nguồn monre.gov.vn